Để xây dựng, bảo tồn, khai thác và sử dụng vốn tài liệu của thư viện; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thông tin, giải trí của nhân dân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về thư viện;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 4 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa X;
Pháp lệnh này quy định về thư viện.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Thư viện có chức năng, nhiệm vụ giữ
gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và
sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông
tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp
nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát
triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
Điều 2
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Di
sản thư tịch là toàn bộ sách,
báo, văn bản chép tay, bản đồ, tranh, ảnh và các loại tài liệu khác đã và đang
được lưu hành.
2. Tài
liệu là một dạng vật chất đã
ghi nhận những thông tin ở dạng thành văn, âm thanh, hình ảnh nhằm mục đích bảo
quản và sử dụng.
3. Vốn
tài liệu thư viện là những
tài liệu được sưu tầm, tập hợp theo nhiều chủ đề, nội dung nhất định, được xử
lý theo quy tắc, quy trình khoa học của nghiệp vụ thư viện để tổ chức phục vụ
người đọc đạt hiệu quả cao và được bảo quản.
Điều 3
Pháp lệnh này điều chỉnh:
1. Tổ chức và hoạt động của thư viện;
quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị
sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi là tổ chức) trong hoạt động
thư viện;
2. Quyền và trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân trong nước sử dụng vốn tài liệu thư viện và tham gia các hoạt động do
thư viện tổ chức;
3. Quyền và trách nhiệm của người Việt
Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống, làm việc tại
Việt Nam sử dụng vốn tài liệu thư viện và tham gia các hoạt động do thư viện tổ
chức.
Điều 4
Nhà nước đầu tư ngân sách để phát
triển thư viện, vốn tài liệu thư viện; mở rộng sự liên thông giữa các thư viện
trong nước và hợp tác, trao đổi tài liệu với thư viện nước ngoài; khuyến khích
tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá
nhân nước ngoài tham gia phát triển các loại hình thư viện; thực hiện xã hội
hóa hoạt động thư viện; đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ những người làm
công tác thư viện đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình thư viện.
Điều 5
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Tàng trữ trái phép tài liệu có nội
dung:
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại
khối đại đoàn kết toàn dân;
b) Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh
xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư
tưởng, văn hóa phẩm phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ
nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành
tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín
của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân;
2. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời
tư của công dân;
3. Đánh tráo, hủy hoại tài liệu của
thư viện;
4. Lợi dụng hoạt động nghiệp vụ thư
viện để truyền bá trái phép những nội dung quy định tại Điều này.
CHƯƠNG II
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
Điều 6
1. Tổ chức, cá nhân trong nước, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm
việc tại Việt Nam được quyền sử dụng vốn tài liệu thư viện phù hợp với quy chế
của thư viện.
2. Đối với thư viện hoạt động bằng
ngân sách nhà nước thì người sử dụng tài liệu thư viện không phải trả tiền cho
các hoạt động sau theo quy định của Chính phủ:
a) Sử dụng tài liệu thư viện tại chỗ
hoặc mượn về nhà;
b) Tiếp nhận thông tin về tài liệu thư
viện thông qua hệ thống mục lục và các hình thức thông tin, tra cứu khác;
c) Tiếp nhận sự giúp đỡ, tư vấn về
việc tìm và chọn lựa nguồn thông tin;
d) Phục vụ tài liệu tại nhà thông qua
hình thức thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu điện khi có yêu cầu đối với người
cao tuổi, người tàn tật không có điều kiện đến thư viện.
3. Người dân tộc thiểu số được tạo
điều kiện sử dụng tài liệu thư viện bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.
4. Người khiếm thị được tạo điều kiện
sử dụng tài liệu thư viện bằng chữ nổi hoặc các vật mang tin đặc biệt.
5. Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng
tài liệu thư viện phù hợp với lứa tuổi.
6. Người đang chấp hành hình phạt tù,
người bị tạm giam được tạo điều kiện sử dụng tài liệu của thư viện tại trại
giam, nhà tạm giam.
Điều 7
1. Tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện theo quy
định tại Pháp lệnh này.
2. Tổ chức, cá nhân trong nước, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm
việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức.
Điều 8
Người sử dụng vốn tài liệu thư viện có
trách nhiệm:
1. Chấp hành nội quy thư viện;
2. Bảo quản vốn tài liệu và tài sản
của thư viện;
3. Tham gia xây dựng, phát triển thư
viện;
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về
những hành vi vi phạm trong việc sử dụng vốn tài liệu thư viện.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN
Điều 9
Thư viện được thành lập khi có những
điều kiện sau:
1. Vốn tài liệu thư viện;
2. Trụ sở, trang thiết bị chuyên dùng;
3. Người có chuyên môn, nghiệp vụ thư
viện;
4. Kinh phí đảm bảo cho thư viện hoạt
động ổn định và phát triển.
Bộ Văn
hóa - Thông tin hướng dẫn cụ thể việc thực hiện những quy định tại Điều này đối
với từng loại hình thư viện.
Điều 10
1. Tổ chức của Việt Nam có các điều kiện quy định tại Điều 9
của Pháp lệnh này thì được thành lập thư viện.
2. Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày
thành lập, tổ chức thành lập thư viện phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.
3. Tổ chức thành lập thư viện ban hành
quy chế hoạt động thư viện.
Bộ Văn
hóa - Thông tin quy định cụ thể thủ tục đăng ký hoạt động và hướng dẫn ban hành
quy chế thư viện.
Điều 11
1. Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện của tổ chức cấp trung ương
đăng ký hoạt động với Bộ Văn hóa - Thông tin.
2. Thư viện của tổ chức cấp tỉnh đăng
ký hoạt động với Sở Văn hóa - Thông tin.
3. Thư
viện của tổ chức cấp huyện, cấp xã có trụ sở đóng trên địa bàn đăng ký hoạt
động với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 12
1. Tổ chức thành lập thư viện có quyền
quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể thư viện hoặc thay đổi nội dung hoạt
động đã đăng ký.
2. Khi chia, tách, sáp nhập thư viện,
tổ chức thành lập thư viện phải làm lại thủ tục đăng ký hoạt động.
3. Khi thay đổi tên gọi, địa chỉ, quy
chế, nội dung hoạt động hoặc giải thể thư viện, tổ chức thành lập thư viện phải
thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 13
Thư viện có các nhiệm vụ sau đây:
1. Đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện
thuận lợi cho người đọc trong việc sử dụng vốn tài liệu thư viện và tham gia
các hoạt động do thư viện tổ chức;
2. Thu thập, bổ sung và xử lý nghiệp
vụ vốn tài liệu; bảo quản vốn tài liệu và thanh lọc ra khỏi kho các tài liệu
lạc hậu, hư nát theo quy chế của thư viện;
3. Tổ chức thông tin, tuyên truyền,
giới thiệu vốn tài liệu thư viện, tham gia xây dựng và hình thành thói quen đọc
sách, báo trong nhân dân;
4. Xử lý thông tin, biên soạn các ấn
phẩm thông tin khoa học;
5. Thực hiện sự liên thông giữa các
thư viện trong nước; hợp tác, trao đổi tài liệu với thư viện nước ngoài theo
quy định của Chính phủ;
6. Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa
học và công nghệ tiên tiến vào công tác thư viện, từng bước hiện đại hóa thư
viện;
7. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn,
nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện;
8. Bảo quản cơ sở vật chất, kỹ thuật
và tài sản khác của thư viện.
Điều 14
Thư viện có các quyền sau đây:
1. Trao đổi tài liệu và tham gia vào
các mạng thông tin - thư viện trong nước; trao đổi tài liệu và tham gia vào các
mạng thông tin - thư viện nước ngoài theo quy định của Chính phủ;
2. Khước từ yêu cầu của người đọc nếu
yêu cầu đó trái với quy chế của thư viện;
3. Thu phí từ một số dịch vụ thư viện
theo quy định tại Điều 23 của Pháp lệnh này;
4. Tiếp nhận tài trợ, giúp đỡ của tổ
chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
5. Tham gia các hội nghề nghiệp trong
nước và quốc tế về thư viện;
6. Lưu trữ những tài liệu có nội dung
quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh này theo quy định của Chính phủ.
Điều 15
1. Người làm công tác thư viện có các
quyền sau đây:
a) Được tạo điều kiện để học tập nâng
cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện; tham gia nghiên cứu khoa
học, các sinh hoạt về chuyên môn, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định
của pháp luật;
b) Được hưởng các chế độ, chính sách
ưu đãi về nghề nghiệp và các chế độ chính sách khác của Nhà nước.
2. Người làm công tác thư viện có
nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về thư viện, các quy định về
chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và quy chế của thư viện.
Điều 16
Các loại hình thư viện bao gồm:
1. Thư viện công cộng:
a) Thư viện Quốc gia Việt Nam;
b) Thư viện do Uỷ ban nhân dân các cấp
thành lập.
2. Thư viện chuyên ngành, đa ngành:
a) Thư viện của viện, trung tâm nghiên
cứu khoa học;
b) Thư viện của nhà trường và cơ sở
giáo dục khác;
c) Thư viện của cơ quan nhà nước;
d) Thư viện của đơn vị vũ trang nhân
dân;
đ) Thư viện của tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
kinh tế, đơn vị sự nghiệp.
Điều 17
1. Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước.
2. Ngoài những nhiệm vụ và quyền quy
định tại Điều 13 và Điều 14 của Pháp lệnh này, Thư viện Quốc gia Việt Nam còn
có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Khai thác các nguồn tài liệu trong
nước và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu người đọc;
b) Thu nhận các xuất bản phẩm lưu
chiểu trong nước theo quy định; xây dựng, bảo quản lâu dài kho tàng xuất bản
phẩm dân tộc; biên soạn, xuất bản Thư mục quốc gia và Tổng thư mục Việt Nam;
c) Tổ chức phục vụ các đối tượng người
đọc theo quy chế của thư viện;
d) Hợp tác, trao đổi tài liệu với các
thư viện trong nước và nước ngoài;
đ) Nghiên cứu khoa học và công nghệ
trong lĩnh vực thông tin -
thư viện;
e) Tổ chức
bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện; hướng dẫn
nghiệp vụ thư viện theo sự phân công của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Điều 18
1. Thư viện do Uỷ ban nhân dân các cấp
thành lập giữ vai trò trung tâm phối hợp hoạt động, trao đổi tài liệu, hướng
dẫn nghiệp vụ với các thư viện khác trên địa bàn.
2. Ngoài những nhiệm vụ và quyền quy
định tại Điều 13 và Điều 14 của Pháp lệnh này, thư viện do Uỷ ban nhân dân các
cấp thành lập còn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng và bảo quản vốn tài liệu
của địa phương và về địa phương;
b) Tham gia xây dựng thư viện, tủ sách
cơ sở; tổ chức việc luân chuyển sách, báo xuống các thư viện, tủ sách cơ sở.
Điều 19
1. Thư viện của viện, trung tâm nghiên
cứu khoa học được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức trong
phạm vi của viện, trung tâm và có thể phục vụ những đối tượng khác phù hợp với
quy chế của thư viện.
2. Thư viện của nhà trường, cơ sở giáo
dục khác được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu của cán bộ, nhà giáo, người học trong
phạm vi của nhà trường, cơ sở giáo dục khác và có thể phục vụ những đối tượng
khác phù hợp với quy chế của thư viện.
3. Thư viện của cơ quan nhà nước được
thành lập nhằm phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức trong phạm vi cơ quan và
có thể phục vụ những đối tượng khác phù hợp với quy chế của thư viện.
4. Thư viện của đơn vị vũ trang nhân
dân được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ trong phạm vi đơn
vị và có thể phục vụ những đối tượng khác phù hợp với quy chế của thư viện.
5. Thư viện của tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
kinh tế, đơn vị sự nghiệp được thành lập chủ yếu nhằm phục vụ các thành viên
trong phạm vi tổ chức, đơn vị và có thể phục vụ những đối tượng khác phù hợp
với quy chế của thư viện.
CHƯƠNG IV
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN
Điều 20
Các nguồn tài chính của thư viện bao
gồm:
1. Ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ;
2. Vốn của tổ chức;
3. Các khoản thu từ phí dịch vụ thư
viện;
4. Các nguồn tài trợ của tổ chức, cá
nhân trong nước và nước ngoài.
Điều 21
Nhà nước thực hiện các chính sách đầu
tư đối với thư viện như sau:
1. Đầu tư để đảm bảo cho các thư viện
hưởng ngân sách nhà nước hoạt động, phát triển và từng bước hiện đại hóa cơ sở
vật chất - kỹ thuật, điện tử hóa, tự động hóa thư viện; đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ những người làm công tác thư viện;
2. Đầu tư tập trung cho một số thư
viện có vị trí đặc biệt quan trọng; ưu tiên đầu tư xây dựng thư viện huyện ở
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn;
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong
nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia
đóng góp xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam;
4. Hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng
chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện của thư viện các tổ chức
không hoạt động bằng ngân sách nhà nước;
5. Ưu tiên giải quyết đất xây dựng thư
viện;
6. Hỗ trợ, giúp đỡ việc bảo quản các
bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của cá
nhân, gia đình.
Điều 22
Nhà nước thực hiện các chính sách ưu
đãi đối với hoạt động thư viện như sau:
1. Miễn, giảm thuế nhập khẩu những tài
liệu thư viện, trang thiết bị, máy móc chuyên dùng theo quy định của pháp luật;
2. Hỗ trợ kinh phí cho việc khai thác
mạng thông tin - thư viện trong nước và nước ngoài, cho mượn tài liệu giữa các
thư viện và người đọc.
Điều 23
1. Thư viện hoạt động bằng ngân sách
nhà nước được thu phí đối với các dịch vụ sao chụp, nhân bản tài liệu, biên
dịch phù hợp với pháp luật về bảo hộ quyền tác giả; biên soạn thư mục; phục vụ
tài liệu tại nhà hoặc gửi qua bưu điện và một số dịch vụ khác theo yêu cầu của
người sử dụng vốn tài liệu thư viện.
2. Thư viện của tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động không sử dụng ngân sách
nhà nước được thu phí đối với các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 6 của
Pháp lệnh này.
Danh
mục cụ thể các dịch vụ được thu phí, mức phí và việc sử dụng phí do Chính phủ
quy định.
CHƯƠNG V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯ VIỆN
Điều 24
Nội dung quản lý nhà nước về thư viện
bao gồm:
1. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình thư viện;
2. Ban hành, chỉ đạo thực hiện các văn
bản quy phạm pháp luật về thư viện;
3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình
độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công
tác thư viện;
4. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên
cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thư viện;
5. Tổ chức đăng ký hoạt động thư viện;
6. Hợp tác quốc tế về thư viện;
7. Tổ chức, chỉ đạo công tác thi đua
khen thưởng trong hoạt động thư viện;
8. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật về thư viện; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp
luật về thư viện.
Điều 25
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà
nước về thư viện.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin chịu trách
nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về thư viện.
Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm
của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác của
Nhà nước trong việc phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện thống nhất
quản lý nhà nước về thư viện.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện
quản lý nhà nước về thư viện trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của
Chính phủ.
Điều 26
Thanh tra chuyên ngành về văn hóa -
thông tin thực hiện chức năng thanh tra về thư viện.
Điều 27
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu
nại, cá nhân có quyền tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về thư viện.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có
trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 28
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong
việc xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện được khen thưởng theo quy định
của pháp luật.
Điều 29
Người nào vi phạm các quy định của
Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về thư viện thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30
Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm
2001.
Các quy định trước đây trái với Pháp
lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 31
Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.